Ảnh từ Internet

Nhiều người hỏi về những người được cho là anh chị em ruột của Đức Giêsu như được đề cập trong Tân Ước (Mt 12,46; Mc 3,31-32; 6,3; Lc 8,19-20; Ga 2,12; 7,3-5; Cv 1,14; 1Cr 9,5). Những trích đoạn này nói đến Đức Maria và “anh em” hay “anh chị em” của Đức Giêsu. Trước hết, chúng ta xem xét nguyên bản Hy Lạp của những trích lược này.

Từ ngữ được sử dụng để mô tả những anh chị em ruột, như trong một số trích đoạn, là từ adelphoi. Đây là hình thức số nhiều của adelphos, vốn có thể có nghĩa là “anh em” nhưng nó cũng được dùng để mô tả nhiều mối quan hệ khác, như anh em họ, chú bác, và cháu chắt. Bất cứ người bà con họ hàng nào, từ anh em tới cháu chắt, cũng có thể được gọi là adelphos bởi vì tiếng Do Thái cổ không có sự phân biệt chính xác như chúng ta ngày nay. Bằng chứng của điều này nằm ngay trong chính Thánh Kinh.

Sách Sáng Thế chương 11,27 (“Ông Te-ra sinh ra Áp-ram, Na-kho và Ha-ran. Ha-ran sinh ra Lót.”) và chương 11,31 (“và Lót, con ông Ha-ran”) cho thấy rõ Abram và Haran là anh em và Lót là con của Haran, nên Abram là chú của ông Lót. Vì thế, Lót là cháu của Abram. Nhưng chỉ có một cách duy nhất trong tiếng Do Thái cổ có thể mô tả mối quan hệ giữa Abram và Lót: hoặc là nói một cách rất phức tạp như trong Sáng Thế ký 12,5: “và Lót là con trai của người em [của ông Abraham]” hoặc là dùng một từ bao hàm giống như adelpos trong tiếng Hy Lạp hoặc (ach) trong tiếng Do Thái. Sách Sáng Thế đã sử dùng từ ngữ này trong chương 14,16: “Ông Lót, người anh em họ hàng của ông.” Nếu Lót là con trai của Haran, người anh em của Abram, làm sao Abram có thể gọi Lót là anh em của ông như trong Sáng Thế ký 14,16 được chứ? Điều này chỉ có ý nghĩa nếu những từ ngữ được dùng trong tiếng Do Thái và Hy Lạp không bị hạn chế chặt chẽ vào một hình thức của mối quan hệ họ hàng. Adelphos là từ Hy Lạp được sử dụng trong bản Bảy Mươi [bản LXX], bản dịch Hy Lạp của Cựu Ước, và từ ngữ “anh em” được sử dụng trong sách Sáng Thế chương 14,14.16 của bản English King James Version. Rõ ràng là, không có từ ngữ nào giống như “chú” hoặc “cháu,” nên từ ngữ tương tự đã dùng cho “anh em” thì cũng được sử dụng để chỉ đến những mối quan hệ rộng mở. Vì thế, khi chúng ta đọc Tân Ước về những adelphoi- người thân- của Đức Giêsu, họ có thể là họ hàng với nhau giống như Abram và Lót. Chắc chắn Đức Giêsu có một người anh em bà con là Gioan Tẩy Giả.

Thánh Giuse có thể có anh chị em đã có con, những người này là cháu trai và cháu gái của ngài nên là anh chị em ngang hàng với Đức Giêsu. Cũng vậy, Đức Maria có thể có anh chị em hoặc họ hàng mà họ có con cái ngang tuổi với Đức Giêsu. Nếu một người anh em của Thánh Giuse qua đời để lại con cái còn nhỏ, Thánh Giuse phải đem chúng về nhà và Đức Giêsu đã được nuôi dạy cùng với những anh chị em họ của Người, là những người được gọi là adelphoi trong tiếng Hy Lạp, và từ ngữ cụ thể được dịch sang tiếng Anh là “brethren” [nghĩa là anh em].

Đi xa hơn những bằng chứng về việc không có những người con khác của Đức Maria và Thánh Giuse: những anh chị em của Người đã ở đâu khi Người trên Thập giá? Gioan 19,26-27 cho biết Đức Giêsu đã giao phó mẹ của Người cho Gioan và giao phó Gioan lại cho Mẹ của Người.

Nếu đã có người anh chị em ruột nào thì có lẽ họ đã phải có mặt ở đồi Can-vê cùng với Mẹ Maria; và có lẽ không cần phải có lời trao phó Mẹ Maria cho người môn đệ yêu dấu là Gio-an.

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 48-49.