Trang Tử
(370-287 B.C.)

Môn học: Triết học Trung Hoa
Giáo sư: Vũ Minh Trí, S.J.
Học viên: Trần Văn Đỉnh,S.J.

Trong một xã hội mà công nghệ và sự thực dụng đang lên ngôi, thì việc xem xét sự hữu dụng và vô dụng quả là cần thiết. Phải chăng những thứ mà nhiều người cho là vô dụng thì đúng là vô dụng? Hay những thứ xem ra vô dụng đó lại là hữu dụng? Ta cần phải có cái nhìn như thế nào về sự hữu dụng và vô dụng? Tác giả bài viết nỗ lực trả lời cho những câu hỏi vừa nêu qua việc khảo cứu tư tưởng của Trang Tử trong tác phẩm Nam Hoa Kinh.

 

Dẫn nhập

Con người thời nay xem trọng những gì hữu dụng hơn những gì vô dụng. Con người cũng không dành nhiều thời gian cho sự nghỉ ngơi và sự tự vấn để xét đến ý nghĩa đời mình. Trẻ em cũng không được khuyến khích dành thời gian vui đùa cho bằng học một môn nào đó vì việc học hữu ích hơn việc vui đùa. Con người ngày càng tước đi niềm vui, sự hồn nhiên mà thay vào đó là lợi ích, vật chất. Trong cái nhìn của mình, Trang Tử đưa ra cái nhìn về hữu dụng và vô dụng như là một cách thức con người thời đại cần suy tư và xem xét thực trạng đời sống mình. Theo đó, con người cần có tầm nhìn lớn để nhìn thấy sự hữu dụng của cái vô dụng. Đi xa hơn, tầm nhìn ấy phải vượt trên sự phân biệt rạch ròi giữa dụng và vô dụng. Sau cùng, muốn đạt được tầm nhìn ấy, con người phải trở về cõi nội, gột rửa lòng mình để có thể sống “lưỡng hành” trong việc xử thế.

  1. Sự hữu dụng của cái vô dụng

Người có tầm nhìn lớn thấy được sự hữu dụng của cái thiên hạ xem là vô dụng, cũng như giá trị đích thật của sự vật. Cùng là một quả bầu lớn, Huệ Thi cho rằng nó vô dụng mà đập bỏ, còn Trang Tử thì chỉ ra giá trị thật của nó. Với Huệ Thi, trái bầu chỉ có công dụng làm bình, làm gáo đựng nước. Vì thế, “nếu chứa nước thì nó không đủ cứng để chịu được; nếu xẻ nó thành nhiều phần thì lại nông quá, không chứa được bao nhiêu.”[1] Tuy nhiên, trong con mắt của người đại trí, quả bầu lớn ấy có thể được dùng làm một cái phao để qua sông và tiêu dao du trong thiên hạ. Chẳng lẽ mỗi vật hay mỗi sản phẩm phải được chế tác theo một quy định nào đó thì được coi là hữu dụng? Hay đó là do “tâm chưa thông đạt?”[2]

Cũng vậy, người đại trí nhìn thấy tính đại dụng của điều mà thiên hạ nghĩ là tầm thường. Cùng một thứ thuốc, người nhìn thấy tính đại dụng của nó mà sử dụng đúng chỗ, đúng thời thì được phong đất; còn người có phương thuốc gia truyền ấy suốt đời chỉ làm nghề đập lụa mà chỉ kiếm được mấy đồng bạc.[3] Quả thế, chính cách tư duy và đánh giá thông thường đã giới hạn cái nhìn lớn của con người đối với giá trị của vạn vật. Lối tư duy thường quy ấy không giúp ta nhận ra những giá trị khác, những mặt khác của cuộc sống và cũng không giúp ta hướng tới cuộc sống tự do đích thật.[4] “Ai cũng biết chỗ dùng được của vật hữu dụng, mà không biết chỗ dùng được của cái vô dụng.”[5] Nói cách khác, chính tầm nhìn, phán đoán và thái độ của mỗi người nhận ra sự hữu dụng của chúng cách khác nhau. Nhưng làm thế nào để đạt được tầm nhìn bao la và rộng lớn ấy? Con người cần đạt tới cái nhìn vượt trên sự hữu dụng và vô dụng của bậc trí nhân.

  1. Người đại trí đánh giá sự vật một cách toàn diện vượt trên hữu dụng và vô dụng

Người đại trí nhìn nhận sự vật cách toàn diện, còn người tiểu trí đánh giá chúng chỉ theo khía cạnh mà họ quan tâm hay bị gắn chặt vào. Chỉ người có tầm nhìn lớn mới thấy “trời sinh ra tài năng ắt hữu dụng.”[6] Chính tầm nhìn lớn mới có thể đánh giá sự vật một cách hoàn chỉnh.Thật thế, người thợ mộc tên Thạch nhìn thấy một cây đại thụ bên đường nhưng lại bỏ đi vì chê nó là “bất tài chi mộc.”[7] Theo ông, nó là cây vô dụng bởi gỗ của nó đóng vật dụng sẽ mau hư. Nhưng ông không thấy được tính hữu dụng từ cái bóng của nó. Nhờ cành quăn queo với tán lá rộng, nó tỏa bóng mát cho cả một vùng rộng lớn để người và vật đều đến đó nghỉ ngơi, vui đùa trong những ngày hè nóng bức. Trong giấc mộng của mình, ông Thạch mới biết rằng nó tồn tại lâu dài và là tượng trưng cho thổ thần linh thiêng là vì sự dường như vô dụng của nó trong mắt người đời. Nhờ sự dường như vô dụng, cái cây được bảo tồn. Chính ông Thạch, với cái nhìn của mình, bị cây thiêng chê trách là “một người vô dụng nên không biết được thế nào là một cây vô dụng.”[8] Ông ngộ ra rằng lấy thường tình mà phán đoán, chê trách giá trị của cái cây là một sai lầm lớn. Khi nhìn nhận rằng sự vật được bảo tồn lâu dài vì sự vô dụng, chứ không phải hữu dụng, phải chăng Trang Tử đề cao cái vô dụng hơn hữu dụng? Phải chăng cái vô dụng thì được bảo toàn?

Bậc đại trí không đề cao sự hữu dụng hay vô dụng, nhưng là vượt trên cả hai. Trong chuyến đi với các đệ tử, Trang Tử bảo rằng cây trong núi vì vô dụng mà được hưởng hết tuổi trời. Lát sau, ông lại nói rằng vì vô dụng, vì không biết kêu nên con ngỗng bị chủ nhà giết đãi khách.[9] Như thế, cái vô dụng cũng không đưa đến sự bảo toàn chắc chắn. Thật thế, “xét về phương diện công hiệu, muốn nhấn vào sự công dụng thì không vật nào không có công dụng ; muốn nhấn vào sự vô dụng thì không vật nào có công dụng.” [10] Đối với người cụt chân, giầy dép mất công hiệu cố hữu của nó. Đối với người chết, của cải, đồ trang sức cũng chẳng còn có ý nghĩa.[11] Với Trang Tử, bậc đại trí chọn ở “giữa hữu dụng và vô dụng.”[12] Người ấy không thiên lệch bên nào để xem xét và phán đoán nhưng dụng hay vô dụng tùy thời và tùy người.

Nhưng ở vào trung gian như vậy, người ta vẫn chưa tránh khỏi lụy mà cũng chưa được ở gần Đạo. Chính xác hơn, Trang Tử không chỉ ở giữa mà còn vượt trên sự phân biệt hữu dụng và vô dụng, vượt trên được bảo toàn hay không được bảo toàn, vượt trên sinh hay tử. Nói cách khác, tùy thời, tùy người, tùy nơi, người đại trí không cố chấp theo một thái độ để đánh giá và nhận định vấn đề. Nhưng làm thế nào để có thể có cái nhìn vượt trên sự phân biệt vô dụng và hữu dụng ấy? Trang Tử cho thấy, con người cần phải có sự tự do nội tâm, vượt trên ngoại vật.

  1. Con tim tự do vượt trên ngoại vật

Muốn đạt được tầm nhìn vượt trên sự hữu dụng và vô dụng, bậc đại trí vượt trên cái lợi và cái danh trong thiên hạ để đạt tới sự tự do nội tâm trong cái nhìn bình đẳng với mọi vật. Thật vậy, cảnh giới của sự sống có lẽ không phải ở việc chọn cái hữu dụng hay vô dụng – vốn là ngoại vật, nhưng quan trọng hơn là “nhìn thấy những rào cản trong lòng để tìm thấy vị trí của chính mình trong vũ trụ bao la.”[13] Thấy được những điều trói buộc mình rồi, bậc trí nhân sống tự do, tiêu dao du, thưởng nếm niềm vui cuộc đời. Nói đúng hơn, họ không để cho lòng mình dính bén đến cái lợi – vốn nảy sinh từ việc chọn cái hữu dụng hơn cái vô dụng, cái danh – vốn nảy sinh từ việc chọn cái “quí” hơn là cái “tiện”. Bậc trí nhân chọn cuộc sống giản dị, chất phác, hòa đồng, tiêu diêu với Đạo, với đời trong sự “giác ngộ.”[14] Sự giác ngộ ấy là một quá trình lâu dài. Theo chiết tự, “giác” bao hàm chữ – nghĩa là nhìn thấy; “ngộ” gồm chữ “ngô” – nghĩa là “tôi,” và chữ “tâm” 忄.Theo đó, giác ngộ là hành trình nhìn vào tâm của mình trong những biến cố hằng ngày.[15] Từ đó, ngày qua ngày, người ấy hiểu thấu con tim của mình và thấy Đạo trong tim. Chỉ khi nhìn thấy tâm của mình bằng một hành trình dài với “tâm trai”[16] và “tọa vong,”[17] con người mới có cơ may làm cho mình trở nên tự do với ngoại vật, vượt trên cái nhìn đời thường phân biệt giữa hữu dụng và vô dụng.

Bằng con tim tự do, bậc đại trí cũng không đánh giá con người như sự vật theo tiêu chuẩn của sự hữu dụng và vô dụng nhưng chú trọng cái bản thiên nơi con người. Thật vậy, vì tâm trí dựa trên cái nhìn phân biệt hữu dụng và vô dụng, con người chẳng những đánh giá sự vật theo tiêu chuẩn ấy mà còn áp dụng cả với tha nhân. Bậc đại trí nhìn thấy sức mạnh nội tâm, cái đức nơi những con người mà xã hội coi thường, khinh mạn vì sự tật nguyền và dường như vô dụng của họ. Nước Vệ xưa có một người xấu xí, bị người ta gọi là quỉ Đà. Khi hát, hắn ta không hề lĩnh xướng mà chỉ phụ họa khi hát. Hắn ta không có quyền hành, cũng chẳng có tiền để cứu người khác khỏi chết hay khỏi đói. Kiến thức của hắn cũng chẳng tinh thông gì mà thân hình hắn lại còn xấu xí khiến người khác phát sợ. Nhưng từ nhà vua quan cho tới thường dân, khi gần hắn đều cảm thấy vui, lúc xa hắn đều cảm thấy nhớ. Hắn tuy không nói gì, cũng chẳng có công lao chi, nhưng nhà vua chẳng những tín nhiệm giao việc mà còn sợ hắn từ chối nữa.[18] Hắn, tuy bề ngoài, bị người đời coi thường, bị xem là vô dụng, nhưng con người ấy lại có “cái tâm toàn vẹn và cái đức không hiện tỏ ra bên ngoài nên người ta không thấy.”[19] Quả vậy, bậc đại trí một khi tâm tự do, không căn cứ cái bề ngoài, cái hiệu năng mà đánh giá người khác nhưng chỉ nhìn vào sức mạnh nội tại tiềm ẩn sâu xa nơi con người.

Chính sự tự do nội tâm là chìa khóa của sự tiêu diêu trong thiên hạ. Người ấy không còn nhìn thế giới với con mắt nhị nguyên phân biệt nhưng là nhất nguyên trong Đạo. Bậc chân nhân đạt được tự do nội tâm nên rong chơi, thảnh thơi, không lệ thuộc vào ngoại vật, thậm chí là chính mình. Người ấy không còn nhìn đời với não trạng phân biệt bởi não trạng ấy dẫn tới ghen tương, tham vọng và thèm muốn. Đạt đến tự do nội tâm rồi, người ấy thích nghi với hoàn cảnh và biến hóa của tự nhiên mà đạt tới “lưỡng hành.”[20]

  1. Lưỡng hành trong việc xử thế

“Lưỡng hành” là cách hành xử của bậc nội thánh ngoại vương. Người ấy đặt mình ở trung tâm, nghỉ ngơi nơi quân bình của Đạo. Bên trong, người ấy vượt lên sự phân biệt phải – trái, lớn – nhỏ, quí – tiện, hữu dụng – vô dụng. Bên ngoài, người ấy thích ứng, sống trung dung với đời.[21] Bởi cái nhìn của người đời thích phân biệt rạch ròi như “triêu tam mộ tứ” với “triêu tứ mộ tam”[22] nên bậc chân nhân tùy nghi mà xử thế. Bởi “nước thật yên lặng rồi thì mực nước bình”[23] nên bậc chân nhân toàn vẹn suy xét mọi việc trong thế gian bằng cái nhìn vượt thế gian. Hơn thế, lưỡng hành là cách thế của người đã khám phá ra cái “nhất” của Đạo nên bao quát được mọi biến hóa của thời và vật.[24] Nói cách khác, người ấy biết rằng vạn vật hợp nhất trong Đạo, nên không phân biệt vật này với vật khác, thậm chí mình với vật.[25]

Đi xa hơn, bậc chân nhân không phân biệt mình với ngoại vật, mình với tha nhưng coi mình là một phần tử của vũ trụ. Với Trang Tử, ta và vật đều bình đẳng với nhau, ta và vật đều có cái thú của riêng mình và cùng được tự do sống theo bản tính của mình. Không áp đặt tiêu chuẩn và thú vui của mình cho tha và vật, ngược lại còn có thể khiến bản tính của chúng bị tổn vong.[26] Hơn thế, nơi Đạo, ta và vật dường như đều ở trong một giấc mộng lớn của sự tương đối và bình đẳng với nhau, hoán đổi trong cùng một tâm thức hòa đồng với vũ trụ.[27]

Hẳn nhiên, trong việc xử thế, người đại trí thực sự không nhắm đến việc lợi dụng hoàn cảnh, để mưu lợi cho mình. Thật vậy, dù người ấy có thể có tầm nhìn hơn người để nhìn thấy tính đại dụng của sự vật, nhưng không lợi dụng nó mà cầu lợi, cầu danh cho mình. Người ấy cũng không đua tranh, không ghen tị, không thiên lệch nhưng chỉ chiêm ngắm Đạo và cùng tạo vật sống theo Đạo.[28] Người ấy chẳng lạm dụng ngũ giác, lục căn hay cả sự thông minh trong việc đối nhân xử thế nhưng đã đạt đến mức trung dung ngay cả trong việc thực hành nhân nghĩa. Nói cách khác, bậc đại trí đi theo chính Đạo trong thiên hạ, đạt đến sự tự do nội tâm với hữu dụng và vô dụng, với lợi và danh.[29] Vì thế, họ chẳng chạy theo cái hữu dụng vì cái hữu dụng này ắt sinh ra cái hữu dụng khác. Dần dà, hữu dụng bị đẩy đến không điểm dừng mà sinh ra bao nhiêu tai hại, mất đi thiên tính thuần phác, tự nhiên nơi Đạo.[30] Nhưng một khi đã hòa hợp với Đạo, có được tự do nội tâm, người ấy sử dụng gì cũng “không thay đổi trong lòng, không theo ngoại vật, luôn luôn thích hợp với việc.”[31]

Như thế, với Trang Tử, con người cần nhìn cuộc đời bằng một tầm nhìn rộng lớn, vượt trên mọi sự phân biệt, phân tranh giữa hữu dụng – vô dụng, giữa quí – tiện để đạt đến đích nhắm là sống đời vui vẻ, hòa đồng với Đạo. Thánh nhân khi ấy ở giữa đời mà không thuộc về đời, “nhỏ xíu thuộc về loài người, nhưng lại vĩ đại vì đồng thể với trời.”[32]

  1. Phê Bình

Xét trong cái nhìn của Đạo gia về sự vô dụng và hữu dụng, Lão Tử xét trên từng sự vật cụ thể để cho thấy cái dường như vô dụng lại là cái quyết định sự hữu dụng của sự vật. “Ba chục căm, hợp lại một bầu, nhờ chỗ không, mới có cái dùng của xe. Đào đất để làm chén bát, nhờ chỗ không, mới có cái dùng của nó. Khoét cửa ngõ để làm nhà, nhờ chỗ không, mới có cái dùng của nó.”[33] Với Trang Tử, cái vô là điều đại dụng trong đời sống để có thể phát huy hết tác dụng của cái hữu. Tuy nhiên, cái vô có công dụng của nó cũng nhờ được đặt với cái hữu. Vì thế, với Lão Tử, không phải cái nào quan trọng hơn cái nào cho bằng phải nhìn thấy “hữu vô tương sinh”[34] trong một thể thống nhất. Đi xa hơn, trong thế giới đề cao hữu danh, hữu vi, Lão Tử nhấn mạnh đến việc con người cần trở về với Đạo vô danh, mộc mạc để có một tâm hồn an tĩnh, chứ không gắn mình vào thế giới hữu danh, vốn làm phát sinh bao dục vọng và đi xa Đạo.[35]

Không xét trên từng sự vật và phát triển theo hướng vũ trụ luận, Trang Tử nhìn sự hữu dụng và vô dụng trong cách nhìn của những sự vật, sự việc khác nhau. Nếu Lão Tử hướng tới Đạo siêu việt, tuyệt đối, thì Trang Tử hướng tới việc tìm Đạo siêu việt ấy ngay trong tâm hồn con người. Bằng một cái tâm tĩnh và trong, Trang Tử chủ trương tề vật, không coi trọng vật nào hơn vật nào.Trang Tử cho thấy cái nhìn vượt trên cả sự hữu dụng và vô dụng, vượt trên hữu vi và vô vi để đạt đến Đạo là nguyên lý tối cao và là cùng đích. Đạo vô hình, bao quát và thường hằng bất biến là nguyên lý vượt trên cả cái vô và cái hữu vi vốn chỉ mang tính tương đối. Ông ở lại trong sự tự do ngưng lặng của nội tâm, dùng “trí năng hiểu được tâm mình, rồi nhờ tâm ấy mà biết được mọi biến hóa vạn vật,”[36] biết được cái dụng nơi Đạo, nơi người và nơi vật. Phải chăng người đời với cái nhìn hữu danh chê trách ông là bởi họ chỉ có cái nhìn của kẻ tiểu trí mà thôi?

Người ta cũng có thể trách ông vô dụng như cách mà Huệ Thi nói.[37] Người ta có thể cho rằng tư tưởng của ông chẳng đóng góp gì cho tiến bộ của xã hội bởi muốn tiến hóa, con người cần tạo ra thật nhiều thứ hữu dụng. Tuy nhiên, nhìn lại giữa một xã hội thực dụng, trong cái nhìn hữu danh, hữu dụng, tư tưởng của Trang Tử như một tiếng nói phản tỉnh. Con người chọn cái hữu dụng để rồi lòng tham càng ngày càng mạnh, đi từ hết cái hữu dụng này đến hữu dụng khác. Thậm chí, con người lấy chính tiêu chuẩn hữu dụng như khả năng, tính hiệu quả để đánh giá tha nhân. Vì thế, con người đánh mất luôn cảm thức với đồng loại và với vũ trụ xung quanh. Con người đi quá xa với mục đích ban đầu của mình là sự vui sống. Ngược lại, con người đang nhận thấy những hậu quả của việc ưu tiên cho sự hữu dụng: chiến tranh, thiên nhiên bị phá hủy. Tất cả khởi đi từ lòng yêu mình, yêu danh, yêu lợi không biết nào ngừng. Con người xem trọng những gì hữu ích để cải hóa thế giới nhưng vô tình lại phá vỡ cơ cấu ấy. Trang Tử gợi mở một hướng đi căn bản và sâu xa của “Đạo nội tại” để hòa đồng với thiên nhiên, nối lại mối tương quan nhân – nhiên đã có từ thuở trước.

Người ta cũng có thể trách ông không ra làm quan giúp đời nhưng quả thực, ông giúp đời ở một mức độ lớn lao hơn người đời có thể thấy. Chính bởi xã hội thời ông loạn lạc, đua tranh, biện biệt vì danh, vì lợi nên ông ẩn đi, không can gián để cho đời thấy được những giá trị cao cả trong cuộc đời. Ông vô vi mà chính là đại hữu vi, đúng như cách nhìn của một bậc chân nhân. Một bác sĩ giỏi là người chữa được những bệnh nguy tử khi bệnh tái phát. Nhưng một bác sĩ thực sự tài năng là người nhìn thấy những nguyên nhân sâu xa, những điều tưởng chừng như đơn giản, bình thường để phòng chống giúp người bệnh không gặp phải bệnh nguy tử. Trang Tử quả là một bác sĩ tài năng như thế. Đến với đời, bằng một tầm nhìn rộng lớn và sâu xa, ông đã chỉ ra điều quan trọng hơn cả là phải sống cuộc đời giản dị, thuần phác của một con tim tự do, vượt trên ngoại vật và sự phân biệt thì mới có được cuộc sống hạnh phúc và bình yên, mới ổn định xã hội. Tâm hồn Trang Tử như một dòng nước ngưng lặng để có thể làm cho những dòng nước khác được ngưng lặng.[38]

Với quy luật lưỡng hành, bậc trí nhân biết rằng tâm trí con người không tránh khỏi sự phân biệt nhưng điều quan trọng hơn cả không phải là thế giới bên ngoài đem đến cho ta những gì, cho bằng tâm trí ta đề cao những giá trị nào trong việc xác định thế nào là hữu dụng và vô dụng.[39] Khi quá thiên về lợi ích trước mắt, con người bỏ quên những giá trị khác như niềm vui sống bên gia đình, bạn bè, hưởng nếm cái đẹp trời đất trong cõi tiêu dao du. Trang Tử muốn nhấn mạnh đến một con tim tự do, và sự vui sống hòa đồng với trời, với người và với vạn vật trong tính bản nhiên của mình.

Kết Luận

Tóm lại, Trang Tử hướng con người đến cái nhìn vượt trên sự phân biệt hữu dụng và vô dụng nơi ngoại vật để trở về với con tim tĩnh lặng của Đạo nội tâm. Nhờ thế, con người có thể nhìn ra sự hữu dụng riêng của vạn vật theo như bản tính được trời ban cho nó. Cũng vậy, người ấy có thể sử dụng và đánh giá vạn vật theo quy luật “lưỡng hành” của bậc “nội thánh ngoại vương.”  Giữa một xã hội coi trọng quí hơn tiện, hữu dụng hơn vô dụng, quan điểm tề vật, trở về nội tại với Đạo thuần nhất, chất phác của Trang Tử để tiêu diêu tự tại trong cõi nội vẫn là một lời mời gọi và một sự thách đố. Chỉ những ai đã được thưởng nếm ít nhiều niềm vui và sự phong phú của thế giới ấy mới thấy nó huyền vi và hạnh phúc dường nào. Một khi sống trong cảnh giới của bậc đại trí, người ấy mới có bản lãnh xâm nhập vào đời, sống giữa đời để truyền cảm hứng cho những người khác sống trong cảnh giới của Đạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Lão Tử, Đạo Đức Kinh, Nguyễn Hiến Lê chuyển dịch, (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, 1998).

Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, (Đồng Nai: Nhà Xuất Bản Đồng Nai, 2003).

Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê chuyển dịch, (Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, 2008).

Yu Dan, Trang Tử Tâm Đắc, Lê Tiến Thành và Dương Ngọc Hân chuyển dịch, (Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Trẻ, 2011).

[1] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tiêu Dao Du, Nguyễn Hiến Lê chuyển dịch, (Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, 2008), p. 154.

[2] “Hữu bồng chi tâm.” Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tiêu Dao Du, p.154.

[3] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tiêu Dao Du, p.154.

[4] Yu Dan, Trang Tử Tâm Đắc, Lê Tiến Thành và Dương Ngọc Hân chuyển dịch, (Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Trẻ, 2011), p. 39.

[5] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Nhân Gian Thế 9, p. 201.

[6] Nguyên văn câu thơ của Lý Bạch: “thiên sinh ngã tài tất hữu dụng.” Yu Dan, Trang Tử Tâm Đắc, p.117.

[7] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Nhân Gian Thế 4, p. 197 -8.

[8] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Nhân Gian Thế 4, p. 198.

[9] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Sơn Mộc 1, p. 365.

[10] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Thu Thủy 1, p.331.

[11] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đức Sung Phù 4, p. 209.

[12] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Sơn Mộc 1, p. 365.

[13] Yu Dan, Trang Tử Tâm Đắc, p. 30.

[14] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Từ Vô Quỷ 4, p. 432

[15] Yu Dan, Trang Tử Tâm Đắc, p. 47.

[16] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Nhân Gian Thế 1, p. 192.

[17] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đại Tôn Sư 7, p. 227.

[18] Trang Tử, Nam Hoa Kinh 4, p. 208-9.

[19] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đức Sung Phù 4, p. 208-9.

[20] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tề Vật Luận 5, p.165.

[21] Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, (Đồng Nai: Nhà Xuất Bản Đồng Nai, 2003), p. 305.

[22] Câu chuyện ông lão phát khoai cho khỉ. Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tề Vật Luận 5, p. 165.

[23] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đức Sung Phù 4, p. 209.

[24] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đức Sung Phù 4, p. 209.

[25] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tề Vật Luận 3, p. 162-4.

[26] Trang Tử chuyện vua Lỗ lấy tiêu chuẩn của người để nuôi chim. Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đạt Sinh 13, p. 363.

[27] Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, p. 308.

[28] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đại Tôn Sư 1, p. 215.

[29] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Biền Mẫu 1,p. 241.

[30] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Khư Khiếp 4, p. 251-2.

[31] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đạt Sinh 12, p. 362.

[32] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đức Sung Phù 5, p. 211.

[33] Lão Tử, Đạo Đức Kinh, chương 11, Nguyễn Hiến Lê chuyển dịch, (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, 1998),  p.179.

[34] Lão Tử, Đạo Đức Kinh, chương 2, p. 166.

[35] Lão Tử, Đạo Đức Kinh 37, p. 220.

[36] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đức Sung Phù 1, p. 205.

[37] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Ngoại Vật 7, p. 465.

[38] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đức Sung Phù 1, p. 205.

[39] Yu Dan, Trang Tử Tâm Đắc, p. 51.