Chương 2

CÁC THIÊN THẦN VÀ ĐỨC TRINH NỮ

 MỤC LỤC

Trong chương này:

  • Phân biệt thiên thần và các thánh
  • Nhìn vào ba Tổng lãnh thiên thần
  • Học biết về Đức Trinh nữ Maria

Các thánh là những linh hồn con người đang sống trên thiên đàng. Họ được xem là bạn hữu của Thiên Chúa và đáng được tôn kính bởi sự trung tín của họ. Trên tất cả các thánh trên trời, Đức Trinh nữ – Mẹ của Đức Giê-su Ki-tô, nhận được tôn kính cao nhất. Mẹ không chỉ là Mẹ của Đấng Cứu Thế về mặt thể lý mà còn là người môn đệ trung tín nhất của Người. Mẹ luôn đặt thánh ý Thiên Chúa trên ý riêng mình, và ngay cả trong tin mừng Gioan, Mẹ đã nói “Hãy làm theo những gì [con của Mẹ] chỉ dạy.”

Trong khi các thánh đảm bảo nhận được sự tôn kính (nhưng không bao giờ là thờ phượng), Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo dành cho Mẹ Maria một sự tôn kính đặc biệt mặc dù rằng họ sẽ ngăn chặn ngay những hành vi dẫn đến sự thờ phượng (bởi vì thờ phượng Đức Maria đồng nghĩa với việc thờ ngẫu tượng). Mẹ được dành cho một sự kính trọng đặc biệt bởi tương quan đặc biệt của Mẹ với Đức Giê-su.

So với Đức Maria, các thiên thần đứng ở vị trí thứ nhì tính theo phẩm giá của họ. Cả hai đều được Thiên Chúa tạo dựng. Mặc dù các thiên thần trổi vượt con người về sự thông hiểu và năng quyền, Đức Trinh nữ trổi vượt họ bởi vị trí độc nhất là Mẹ của Đức Ki-tô.

Ba thiên thần được nhắc đến tên trong Kinh Thánh và một số khác trong Thứ kinh/Nguỵ thư. Trong chương này, chúng ta tìm hiểu về họ và đặc biệt người phụ nữ được chọn làm Mẹ Đấng Cứu thế, Đức Trinh nữ Maria.

 HIỂU VỀ CÁC THIÊN THẦN (VÀ TẠI SAO MỘT SỐ THIÊN THẦN ĐƯỢC COI LÀ CÁC THÁNH)

Trái với niềm tin bình dân, các thiên thần không phải là những người đã chết và về trời, rồi “có được” đôi cánh thiên thần. Các thiên thần là thần khí/tinh thần được Thiên Chúa dựng nên trước khi con người được tạo thành; các ngài là những tạo thành đầu tiên và là những tạo vật có đầy trí khôn, uy lực, và tốt đẹp. Các thiên thần là những tinh thần tinh tuyền không có thân xác – chỉ có trí khôn và ý chí. Mọi người nam nữ – từ thời A-dam và E-và tới nay – đều có thân xác linh hồn, cả vật chất lẫn tinh thần.

[GHI NHỚ] Những ai qua đời và về trời không trở nên thiên thần, nhưng là thánh. Các thiên thần và các thánh là những hữu thể và loài tách biệt. Đôi khi có những lầm lẫn xảy ra khi các thiên thần được gán cho danh hiệu thánh, vốn dĩ được dành cho con người mà thôi. Sự chồng chéo này chỉ là vấn đề từ ngữ: từ của Latinh dành cho thánh nhân là sancta,  nghĩa là thánh thiện. Một khi ở trên trời – dù là thiên thần hay thánh nhân, các vị tất nhiên thánh thiện.

Điều này có thể dễ lẫn lộn, nhưng chúng ta hãy nhìn theo hướng này: Các thiên thần là thần khí/sinh linh trên trời, còn các thành là những con người trên trời. Các thiên thần có thể được gọi là “thánh” (như trong trường hợp của thánh Micaen tổng lãnh thiên thần) như là dấu chỉ của sự tôn trọng và cung kính. Một người được gọi là thánh chỉ khi họ qua đời và hưởng phúc thiên đàng.

Ki-tô giáo tin rằng các thiên thần và ác quỷ (các thiên thần sa ngã) bị chia cắt tuỳ vào sự trung tín và vâng phục của họ dành cho Thiên Chúa. Những thiên sứ đầu tiên đã chịu thử thách về sự trung thành và vâng phục, và đối với những thành phần sa ngã, giống như Lu-xi-phe, đều bị đày xuống hoả ngục. Trong hoả ngục, các thiên sứ trở thành ma quỷ cùng với Lu-xi-phe (tên có nghĩa là người mang ánh sáng), thiên sứ mà sau này được biết đến như quỷ dữ (cũng được gọi là hoàng tử của bóng tối).

BỊ ĐUỔI KHỎI THIÊN ĐÀNG?

Nhiều người bàn về vấn đề quỷ vương và những thuộc hạ thiên sứ sa ngã bị đuổi ra khỏi địa đàng và bị tổng lãnh thiên thần Micae ném vào hoả ngục, nhưng lý thuyết này ngược lại với niềm tin Ki-tô giáo là “một khi đã ở trên thiên đàng là luôn luôn ở trên thiên đàng.” Kinh thánh có nói đến cuộc chiến ở trên trời (Kh 12:7) nơi thánh thiên thần Micae đánh bại con rồng cùng với một phần ba lực lượng thiên thần sa ngã (Kh 12:4), nhưng quyển sách này của Kinh thánh thuộc thể loại văn khải huyền, nghĩa là tác giả đã dùng nhiều biểu tượng và phép ẩn dụ để viết sách này.

Các thần học gia cắt nghĩa rằng các thiên thần đã được tạo dựng và chịu thử thách trước khi được vào thiên đàng, bởi vì việc vào nước trời là phần thưởng của việc vượt qua được thử thách. Một khi đã ở thiên đàng, bạn không thể rời đi vì bạn không thể bị cám dỗ. Thiên đàng là chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhãn tiền, và sau khi bạn đã nhìn thấy sự thật tinh ròng, kinh nghiệm tình yêu nguyên tuyền cùng sự tốt lành, bạn không ước ao gì hơn. Tuy nhiên, bên ngoài thiên đàng, thiên thần và loài người có thể bị cám dỗ. Vì thế, cũng như A-đam và E-va đã bị thử thách nơi vườn địa đàng (nhưng chưa phải là thiên đàng) như thế nào, các thiên thần cũng đã từng chịu thử thách như vậy; và những vị tốt lành (khoảng 2/3) được phép vào thiên đàng trong khi những kẻ xấu sa ngã bị đày xuống hoả ngục.

[GHI NHỚ] Kinh thánh chỉ nêu tên ba thiên thần đặc trưng – Micaen, Gabrien, và Raphaen. Các sách Thứ kinh/Nguỵ thư (các bản văn không được coi là có căn cứ chính xác so với Kinh thánh) có đề cập đến các vị thiên sứ khác chẳng hạn như Urien và Ramien.  Bởi vì những vị này không được nói đến trong các sách của quy điển Thánh Kinh,  thanh danh họ không thể được coi là xác thực hay vượt quá sự bình phẩm. Ba vị tổng lãnh thiên thần được nêu trong Kinh thánh được coi là những thiên sứ thực thụ.

Các học giả hàng thế kỷ qua đã có những ước đoán về con số các thiên sứ. Thánh Tô-ma A-qui-nô – thường được gọi là Tiến sĩ thiên thần (xem chương 13) – tin rằng con số chính xác của các thiên thần thì vượt tầm nắm bắt của con người. Tuy nhiên, có vài điều được biết đến chẳng hạn như việc các thiên thần được phân biệt thành 9 đẳng hay phẩm.

[VẤN ĐỀ CHUYÊN MÔN] Chín phẩm thiên thần, từ cao nhất đến thấp nhất, là

  • thiên thần sốt mến (Sê-ra-phim)
  • thiên thần tháp tùng Thiên Chúa/thần lý trí (Kê-ru-bim)
  • thiên thần phụng hầu dưới bảo toà Thiên Chúa (Thượng toà thần sứ)
  • các quản thần
  • các dũng thần
  • các quyền thần/uy thần
  • các lãnh thần
  • các tổng lãnh thiên thần
  • các thiên thần
Image result for THREE ARCHANGELS

Ba tổng lãnh Thiên Thần

THÁNH MI-CA-EN TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

            Bổn mạng: các cảnh sát, quân đội

            Lễ kính: 29/9

Tên Mi-ca-en có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” – một cái tên phù hợp cho những người có sứ mạng chiến đấu với sự tự cao tự đại nơi người khác, đồng thời nhắc họ rằng không ai sánh bằng Thiên Chúa. Thánh Mi-ca-en là thiên thần duy nhất được nhắc đến cả trong Cựu ước (Kinh thánh Do-thái) lẫn Tân ước. Đoạn sách Đanien 10:13, 21 mô tả ngài như thủ lãnh các thiên thần và là người bảo vệ dân Ít-ra-en. Thư của thánh Giu-đa và sách Khải huyền cũng nói về ngài như là người đã chiến thắng ma quỷ. Ngài được kêu cầu trong những trường hợp bị nghi ngờ như là hành động hiểm ác của ma quỷ. Lời cầu nguyện với thánh Mi-ca-en được dùng trong những trường hợp kể trên cũng như sau mỗi thánh lễ theo nghi thức Công giáo từ năm 1886 (do Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII) đến mãi năm 1964 thì Đức Giáo hoàng Phao-lô VI cho ngưng lại. Sau đây là lời cầu nguyện với thánh Mi-ca-en:

Lạy thánh Mi-ca-en tổng lãnh thiên thần, xin che chở chúng con trong trận chiến này. Xin bảo vệ chúng con khỏi sự dữ và cạm bẫy của ma quỷ. Chúng con nguyện xin Chúa xua trừ chúng. Và chúng con xin ngài, lạy thủ lãnh của các thiên thần, do bởi quyền năng Thiên Chúa, đẩy lui Sa-tan vào hoả ngục cùng với tất cả thế lực ác thần đang hoành hành phá hoại các linh hồn nơi trần gian. Amen.

Thánh Mi-ca-en được miêu tả đặc trưng với áo giáp, đang đâm gươm hoặc giáo vào mình con rồng. Đền thờ Núi thánh Thiên thần thuộc Gargano ở Apulia, nước Ý, là ngôi đền cổ nhất ở Tây Âu dành kính thánh Mi-ca-en. Truyền thống đạo đức lưu truyền rằng vị tổng lãnh thiên thần đã hiện ra tại đây bốn lần trong vòng 1.000 năm. Những người hành hương viếng cha thánh Pio của Pietrelcina cũng thường viếng nơi này bởi vì chính thánh Pio đã có một lòng sùng kính mạnh mẽ đối với đền thánh và thánh Mi-ca-en. Cũng vậy, thánh nữ Joan của thành Arc đã có những thị kiến về thánh Mi-ca-en (cùng với thánh Catherine của Alexandria và thánh Margaret) vào thế kỷ XV.

[GHI NHỚ] Mặc dầu được gọi là tổng lãnh thiên thần, thánh Mi-ca-en chủ yếu là thành viên của các thiên thần sốt mến (sê-ra-phim), phẩm thiên thần cao nhất, các ngài có nhiệm vụ ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa đêm ngày. Bất cứ một thiên thần nào có phẩm vị cao hơn phẩm thiên thần (thấp nhất) thì đều được tôn kính như tổng lãnh thiên thần.

THÁNH GAB-RI-EN TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

            Bổn mạng: những người đưa tin, nhà báo, và những nhà truyền thông

            Lễ kính: ngày 29/9

Thánh Gab-ri-en thường được biết đến như là vị thiên sứ đã đến truyền tin cho Đức Maria và cho Mẹ biết là Mẹ đang cưu mang Đức Ki-tô thơ bé. Ngài cũng hiện ra với ông Da-ca-ri-a để báo cho ông biết là bà Ê-li-sa-bét vợ ông – người họ hàng với Đức Trinh nữ Maria – sẽ sinh cho ông một con trai, Gioan (Tẩy giả).

Tên Gab-ri-en  có nghĩa là sức mạnh của Thiên Chúa. Hình tượng của thánh Gab-ri-en thường được vẽ với một cây kèn loan tin, như khi ngài là vị thiên sứ loan tin cho Đức Trinh nữ Maria.

THÁNH RA-PHA-EN TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

            Bổn mạng: những lữ khách

            Lễ kính: 29/9

Tên Ra-pha-en có nghĩa là sự chữa lành của Thiên Chúa. Vị thiên thần này được kể đến trong sách Tôbia, trong câu chuyện kể về việc ngài được Thiên Chúa sai đến giúp ba người: Tô-bít, con trai ông là Tô-bi-a, và con dâu tương lai của ông là Sa-ra. Sa-ra đã bị ác thần Asmodeus nguyền rủa nên chồng của cô đã chết ngay trong đêm tân hôn trước khi họ ăn ở với nhau, và như vậy cô không có con nối dõi.

Những người goá bụa không có con cái bị xem là tuyệt vọng và khốn cùng nhất trong xã hội, bởi vì vào thời cổ xưa phái nữ hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự chăm sóc và bảo vệ của chồng và con trai họ. Nếu không chồng cũng chẳng có con, một goá phụ yếu ớt mong manh như một trẻ mồ côi. Trường hợp của Sa-ra còn tồi tệ hơn thế: trước khi lấy Tô-bi-a, cô đã có bảy người chồng, và họ đều qua đời trong đêm tân hôn.

Tô-bít là một người Do-thái giàu có và đạo đức; ông sống giữa những người thuộc vương quốc Ít-ra-el phía bắc bị đày sang Ni-ni-vê năm 721 TCN. Theo truyền thống Do-thái, người Do-thái phải chôn cất người chết, đặc biệt là những nạn nhân Do-thái dưới thời vua Sennacherib của Assyria. Nhưng nghi thức chôn cất đi ngược lại với luật lệ nước này, do là những kẻ lưu đày Do-thái không có chút quyền công dân nào.

Một đêm nọ, sau khi đã chôn cất một người đồng hương Ít-re-en, ông Tô-bít ngủ bên ngoài phòng mình nên bị phân chim rơi làm mù mắt. Vào thời bấy giờ, mù loà thì cũng bi kịch như trường hợp của goá phụ hay trẻ mồ côi. Thiên thần Ra-pha-en được sai đến để đem lại thị lực cho ông Tô-bít, xoá lời ác nguyền cho Sa-ra, và kết hợp Sa-ra với Tô-bi-a thành vợ chồng. Trong cuộc thăm viếng của mình, thiên thần Ra-pha-en xuất hiện dưới hình dạng con người, và ngài chỉ bộc lộ danh tính của mình trước khi về trời lại. Bởi cùng đồng hành với Tô-bi-a trên cuộc hành trình, thánh Ra-pha-en được cầu khẩn như là đấng bảo trợ cho người lữ hành, đặc biệt những người hành hương.

NHẬN BIẾT CÁC THIÊN THẦN KHÁC

Trong khi đạo Công giáo chỉ công khai nhìn nhận các thánh thiên thần Mi-ca-en, Gab-ri-en, và Ra-pha-en, Chính Thống giáo Đông phương (như giáo hội Chính Thống giáo Nga và Hy-lạp) cũng nhìn nhận các thiên thần sau đây:

  • Uriel, tên vị này có nghĩa là Lửa của Thiên Chúa (III Esdras 3:1; 5:20)
  • Shealtiel, tên vị này có nghĩa là Người chuyển cầu/Trung gian của Thiên Chúa (III Esdras 5:16)
  • Jehudiel, tên vị này có nghĩa là Người Tôn vinh (của) Thiên Chúa
  • Barachiel, tên vị này có nghĩa là Phúc lành của Thiên Chúa
  • Jeremiel, tên vị này có nghĩa là Sự Siêu thăng của Thiên Chúa (III Esdras 4:36)

[VẤN ĐỀ CHUYÊN MÔN]

Sách Tô-bít là một trong bảy sách của Cựu ước có trong Kinh thánh Công giáo và Chính thống Đông phương, nhưng lại không được công nhận trong Kinh thánh Tin lành, hoặc đôi khi được trình bày ở cuối sách Kinh thánh trong phần được gọi là Nguỵ thư/kinh (Các Sách khác). Đạo Công giáo gọi những sách này là Thứ Quy điển/Thứ kinh, có nghĩa là hạng nhì (deutero trong tiếng Hy-lạp) của Quy điển (danh sách được chuẩn nhận). 39 quyển sách thuộc Quy điển là những tác phẩm được viết bằng tiếng Do-thái thời trước cuộc Lưu Đày ở Babylon (năm 586 TCN), khi mà hai phần ba người Do-thái của vương quốc phía Nam là Giu-đa bị bắt đi đày. (Vương quốc phía Bắc của Ít-ra-en đã bị xâm chiếm bởi Át-sy-ria năm 720 TCN). Bảy quyển sách của Thứ kinh/Quy điển (hay Nguỵ thư/kinh theo thần học Tin lành) là: Ba-rúc, 1 và 2 Mác-ca-bê, Tô-bít, Giu-đít, Huấn ca, và Khôn ngoan. Những sách này được viết trong giai đoạn lưu đày và bằng tiếng Hy-lạp, và được bao gồm trong Bản Bảy Mươi (bản dịch Kinh thánh Hy-lạp đầu tiên từ Kinh thánh Do-thái/Cựu ước) trong khoảng thời gian 250-150 TCN.

Related image

ĐỨC THÁNH TRINH NỮ MARIA

Như là Mẹ của Con Thiên Chúa, Đức Trinh nữ Maria có địa vị cao nhất trong tất cả các thánh và đáng nhận được những lời ca ngợi cao cả nhất.

[VẤN ĐỀ CHUYÊN MÔN] Không vị thánh nào có thể được thờ phượng – đây là điều mà chỉ một mình Thiên Chúa có được. Các thần học gia gọi danh dự dành cho các thánh là dulia (tôn kính) để phân biệt với latria (thờ kính), sự thờ phượng Thiên Chúa. Danh dự dành cho Đức Maria thì được gọi là hyperdulia (biệt tôn) bởi vì đây là hình thức cao nhất được phép và được yêu cầu.

ĐƯỢC TÔN TUYÊN CHÂN PHƯỚC HAY TUYÊN HIỂN THÁNH?

Trinh nữ Maria được gọi là Trinh nữ Maria Diễm phúc hoặc là Mẹ Diễm phúc, nhưng Mẹ được coi là nữ hoàng của các thánh. Những ai qua đời mà nhận được danh hiệu Chân phước/Á thánh là khi họ được chính thức tuyên phong, và bước cuối cùng là việc được tuyên hiển thánh, khi mà danh hiệu Thánh được đặt trước tên riêng của họ. Như vậy phải chăng mẹ của Đức Giê-su chỉ được tôn tuyên chân phước mà không phải là thánh? Không. Tước hiệu Chân phước/Đấng Diễm phúc  trong trường hợp của Đức Maria là độc nhất bởi chính từ điều Đức Maria  đã nói trong Tin mừng Luca, rằng “Muôn thế hệ sẽ khen tôi ‘diễm phúc’” (1:48); cũng giống trường hợp thánh Bede của nước Anh vẫn được gọi là Bede Đáng kính. Vị thánh này đã được tuyên chân phước, rồi hiển thánh, nhưng tín hữu vẫn quen gọi ngài là Bede Đáng kính, và cái tên tồn tại như vậy. Tương tự, để phân biệt Đức Maria với các thánh, Anh giáo gọi Mẹ là Thánh Maria, Công giáo thường dành cho Mẹ biệt danh Trinh nữ Maria Diễm phúc. Vì thế chúng ta không cần phải bận tâm lo lắng rằng Đức Mẹ bị hạ cấp hay đại loại như vậy.

ĐỨC MARIA, THÁNH GIU-SE, VÀ TRẺ GIÊ-SU

Chuyện kể về Đức Maria là một trong những câu chuyện được nhắc đi nhắc lại trong Kinh thánh. Cô Maria đã đính hôn để tiến tới hôn nhân với ông Giu-se làng Na-da-rét trong khi là một thiếu nữ. Tuy nhiên, trước khi thành hôn, thần sứ Gab-ri-en đã hiện ra với cô và loan báo rằng cô sẽ hạ sinh Đấng Mê-si-a (tiếng Do-thái dành cho Đấng Thiên sai/được xức dầu), cũng được gọi là Đấng Ki-tô (từ Hy-lạp chỉ Đấng được xức dầu, Kristos).

Cô Maria, một trinh nữ và người đã đính hôn để tiến tới hôn nhân, đã bối rối – làm sao cô có thể trở thành Mẹ của Đấng Cứu thế? Thần sứ Gab-ri-en nói với cô rằng với quyền năng của Thánh Thần, cô sẽ có thai trẻ Giê-su mà không cần có sự phối hợp thể lý của bất cứ nam nhi nào. Đây thực thụ là một cuộc sinh hạ đồng trinh. Sự khởi đầu nhiệm mầu của Đức Giê-su đã được báo trước trong Cựu ước qua lời sấm của ngôn sứ I-sa-ia rằng một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai (7:14).

Ông Giu-se, được biết đến không phải là người cha ruột, lúc đầu đã tránh né nguồn gốc việc thụ thai thần thánh của cô Maria và định ly hôn cách kín đáo. Rồi sứ thần Gab-ri-en xuất hiện với ngài trong một giấc mộng và cho ngài biết rằng cô Maria thực sự là người trung tín nhưng con trẻ trong dạ cô là do quyền năng của Thánh Thần. Ông Giu-se thức giấc và đón nhận cô Maria vào nhà mình. Khi tới thời điểm cho việc hạ sinh, Hoàng đế Rô-ma là Sê-da Au-gus-tô ban lệnh truyền cho một cuộc tổng kiểm tra dân số, điều này dẫn tới việc cô Maria và ông Giu-se phải trở về quê quán mình ở Bê-lem, và trẻ Giê-su đã được sinh ra tại đây.

Thánh gia bị buộc phải chạy trốn qua Ai-cập sau khi trẻ Giê-su được sinh ra, lúc vua Hê-rô-đê tìm cách giết trẻ Giê-su hầu cản trở lời ngôn sứ thành sự. Vua Hê-rô-đê ra lệnh giết hết trẻ trai đầu lòng từ hai tuổi trở xuống; trẻ Giê-su đã được cứu thoát bởi vì mẹ người và cha nuôi đã ẩn giấu ở Ai-cập cho đến lúc kẻ thù của họ băng hà.

Về lại Na-da-rét, Đức Maria và thánh Giu-se đã nuôi dạy Đức Giê-su trong một ngôi nhà bình dị, và Đức Giê-su được biết đến như con trai của người thợ mộc. Đức Giê-su sống cùng Đức Maria và thánh Giu-se khoảng 30 năm trước khi Ngài khởi sự sứ vụ công khai. Sứ vụ này tiếp diễn trong ba năm cho đến khi Ngài bị xử tử trên thập giá, chết, và Phục sinh khoảng năm 33 SCN.

Related image

NHỮNG DỮ LIỆU QUAN TRỌNG KHÁC VỀ ĐỨC MARIA TRONG KINH THÁNH

Đức Maria được nhắc đến trong Tin mừng từ khởi đầu cuộc sống dương thế của Đức Giê-su, khi thành thai trong biến cố Truyền tin (lúc thiên thần Gab-ri-en báo với Đức Maria rằng Mẹ sẽ trở thành mẹ của Đấng Thiên sai) cho đến cuộc Hạ sinh của Đấng Ki-tô (Ngày Giáng sinh), cũng như trong những thời khắc quan trọng khác.

Cuộc gặp gỡ các nhà thông thái

Chẳng lâu sau khi Đức Giêsu được sinh hạ và trước khi Thánh gia chạy trốn qua Ai-cập, Đức Maria đã gặp các Đạo sỹ, hoặc ba nhà thông thái; họ mang quà tặng cho Hài nhi Ki-tô (biến cố này được gọi là Hiển linh). Một vị dâng vàng, tượng trưng cho vương quyền của Đức Ki-tô; một vị mang đến nhũ hương, tượng trưng cho thiên tính của Đức Kitô; và người thứ ba mang đến mộc dược, tượng trưng cho phận người giới hạn của Đức Kitô (Mt 2:1-11).

Nhìn thấy tương lai

Sau khi sinh ra được tám ngày, Đức Giê-su chịu phép cắt bì theo Luật Mô-sê, và Đức Maria và thánh Giu-se mang trẻ Giê-su đến Đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài cũng được chúc phúc lành. Trong lúc Thánh gia ở đó, họ gặp cụ Si-mê-on, một người lành thánh được Thiên Chúa hứa rằng Ngài sẽ không để cụ chết cho đến khi cụ được nhìn thấy Đấng Mê-si-a. Ông Si-mê-on tiên báo rằng Đức Maria sẽ bị lưỡi gươm của khổ đau đâm thấu khi con của Mẹ sẽ nên nguyên cớ cho nhiều người trong Ít-ra-en ngã xuống hay chỗi dậy (Lc 2:22-35). Sau khi Đức Giêsu tắt thở trên thập tự vào Thứ Sáu Tuần Thánh, một người lính Rô-ma đã đâm lưỡi giáo vào tim Ngài và máu cùng nước từ đó tuôn trào. Trái tim người mẹ của Đức Maria hẳn đã rất thương tổn khi bất lực nhìn thấy người con duy nhất của mình đang trải qua cơn khổ nạn vì sự cứu độ nhân loại (Ga 19:34).

Nỗi sợ lạc mất con

Đức Giêsu bị nghĩ là đã lạc mất ba ngày trong trong dịp Lễ Vượt qua lúc Ngài được 12 tuổi (Lc 2:41-52). Đây chắc chắn là nỗi kinh hoàng của một người mẹ: người con một đã ra đi và bà không biết cậu ấy ở đâu. Sau khi rời khỏi Giê-ru-sa-lem, Đức Maria và thánh Giu-se đã tìm ba ngày trong hoảng sợ, và đã tìm thấy Đức Giêsu đang ở giữa các thầy thông luật, không chỉ để lắng nghe mà còn dạy họ nữa. Đối diện với Đấng Cứu thế tuổi vị thành niên, Đức Maria đã hỏi Ngài lý do việc để cho cha mẹ phải lo lắng khắc khoải. Đức Giêsu đáp lại bằng câu hỏi “Tại sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà của Cha con sao?” Quả đúng như lời sấm ngôn của ông Si-mê-on và quà tặng của các nhà thông thái, sự ứng đáp của Đức Kitô với mẹ Ngài in sâu trong lòng Đức Maria, như lời Kinh thánh ghi lại là Mẹ “đã suy đi nghĩ lại những điều này trong tim” (Lc 2:51).

Phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu

Phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu được thực hiện theo lời đề nghị của mẹ Ngài. Đức Giêsu đang ở trong những ngày khởi đầu sứ vụ sau khi đã giữ chay tịnh và cầu nguyện trong hoang mạc. Đức Maria đến với Ngài như một người chuyển cầu cho Giáo hội, tìm kiếm sự can thiệp của Ngài. Đức Giêsu là vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người bởi vì Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người (xem Chương 1 để biết thêm về những người chuyển cầu và những trung gian).

Đức Maria và Đức Giêsu đang tham dự một đám cưới, và Đức Maria đã nhận ra rằng đám tiệc đã hết rượu. Đám cưới ngày xưa hẳn giống với ngày nay: thực khách sẽ còn hân hoan bao lâu rượu và thức ăn còn được đưa ra chiêu đãi. Khi một trong hai thứ này đã hết, thực khách sẽ ra về. Vậy nên Đức Maria đã cho Đức Giêsu biết về tình huống này (“họ đã hết rượu rồi” – Ga 2:3), và Ngài đã trả lời Mẹ cách bí nhiệm: “Thưa bà, chuyện đó có can gì đến tôi?” (Ga 2:4)

Nếu câu chuyện đã kết thúc ở đó, có lẽ có lý để nói rằng Đức Giêsu đã quở trách mẹ Ngài. Nhưng khi nhìn kỹ hơn trong bối cảnh đó, chúng ta sẽ thấy vấn đề khác hẳn. Bản văn gốc Tin mừng Gioan tiếng Hy-lap viết rằng: “Thưa bà, chuyện [gì] của bà cũng [là] chuyện của tôi,” và trong bản dịch Kinh thánh La-tinh của thánh Giê-rô-ni-mô có cùng ý nghĩa đó. Ngay sau khi Đức Giêsu đáp lời mẹ, Đức Maria đã nói với những người bồi bàn, “Hãy thực hiện bất cứ điều gì Ngài truyền cho các anh.” Đức Giêsu đã nói họ đổ đầy nước vào sáu chum bằng đá (mỗi chum chứa khoảng 75-110 lít), rồi múc ra đưa cho người quản tiệc. Dung dịch mà ông nếm không phải là nước lã, nhưng là một loại rượu ngon nhất ông chưa từng thưởng thức.

Đứng dưới chân thập giá

Sau khi các môn đệ đã bỏ Ngài trong cuộc hành hình thập giá và tử nạn tại Can-va-ry, chỉ còn lại Gioan thánh sử và mẹ Đức Giêsu, Đức Trinh nữ Maria, đứng dưới chân thập giá. Sự hiện diện của Mẹ là niềm an ủi cho Ngài nhưng đồng thời gây nỗi đau đớn lớn lao. Là niềm an ủi vì trong phận người huyền nhiệm, Đức Giêsu cũng có một tình yêu như bao người con dành cho mẹ. Ngài nhận thấy rằng sự đau đớn và thống khổ của Ngài gây nên nỗi đau và tổn thương cho lòng Mẹ. Người con nào lại muốn nhìn thấy mẹ mình đau đớn như thế? Vậy mà sự đớn đau trong thân xác Ngài lại gây nên nỗi đau tinh thần cho Mẹ. Biết rằng cái chết của Ngài gây tang thương lòng Mẹ, Đức Giêsu đã trao phó cái duy nhất thuộc về Ngài mà không kẻ ngược đãi nào có thể lấy mất: Mẹ Ngài. Ngài đã trao phó Mẹ cho thánh Gioan khi nói rằng: “Đây là Mẹ của anh” (Ga 19:27).

Theo như Kinh thánh, Đức Maria không nói lời nào cả – Mẹ chỉ ở lại đến cùng với Đức Giêsu như một người môn đệ. Sau khi Ngài đã chết, Mẹ đã âu yếm ẵm lấy xác Ngài được hạ xuống từ thập giá (như được mô tả lại trong tác phẩm Pieta của Michaelangelo).

Sự xuất hiện cuối cùng của Đức Maria trong Sách thánh là vào dịp lễ Hiện Xuống, 50 ngày sau khi Đức Giêsu Sống lại vào Chúa nhật Phục sinh. Sách Tông đồ Công vụ nói với chúng ta rằng Đức Maria đã hiện diện trong cùng căn phòng lầu trên nơi Đức Kitô đã dùng bữa vào Thứ Năm Tuần thánh, khi Ngài ăn bữa tiệc sau hết với mười hai Tông đồ. Lúc này, mỗi người trong các ông, cùng với Mẹ của Đức Giêsu, sẽ trải nghiệm việc Thánh Thần ngự xuống trên họ. Sự hiện diện của Mẹ vào thời điểm được coi là sự khai sinh của Giáo hội đã thuyết phục các giám mục tại Công đồng Va-ti-can II để gọi Đức Maria là Mẹ của Giáo hội.

Sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria (trước, đang khi, và sau cuộc hạ sinh của Đức Kitô con của Mẹ) là một tín điều của đức tin Công giáo, cũng như tín điều về Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội và Mẹ Hồn xác lên trời. Những tín điều này bắt nguồn từ cùng xác tín trọng tâm rằng bất cứ hoặc mọi ân huệ và vinh dự được trao tặng cho Đức Maria đều căn cứ trên tương qua độc nhất của Mẹ với Đức Kitô, con của Mẹ.

CỬ HÀNH CÁC LỄ KÍNH ĐỨC MARIA

Đức Maria có nhiều ngày lễ kính nhớ. Là Mẹ của Đức Giêsu theo bản tính nhân loại, tương quan mẫu tử của người là thiết thực và vĩnh cửu. Vì thế, cũng như bất cứ người con gái hay trai nào muốn tôn vinh những dịp đặc biệt trong đời sống của mẹ mình, Giáo hội cử hành những biến cố riêng nhất trong cuộc đời của Mẹ Đấng Cứu thế. Dưới đây là những dịp lễ đó:

  • Sinh nhật của Mẹ được cử hành vào ngày 8 tháng 9 trong Giáo hội La-tinh. Giáo hội chỉ mừng ba sinh nhật tại thế: của Đức Giêsu vào 25/12, của thánh Gioan Tẩy giả vào 24/6, và của Đức Trinh nữ Maria. Lễ kính các thánh khác thường được đánh dấu bởi sinh nhật trên trời của họ – đó là ngày họ tạ thế. Sinh nhật tại thế của Đức Maria quan trọng bởi vì Đức Giêsu chắc chắn đã muốn tôn vinh ngày Mẹ của Người được sinh ra.
  • Giáo hội cử hành biến cố thụ thai của Đức Maria cũng giống như Giáo hội cử hành ngày của Đức Giêsu. 8/12 là lễ Kính trọng thể sự Thụ thai Vô nhiễm (Vô nhiễm Nguyên tội), theo như tín điều về sự thụ thai nguyên tuyền được Đức Giáo hoàng Pi-ô IX phê chuẩn vào năm 1854. Tín điều này dạy chúng ta rằng nhờ ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa, Đức Trinh nữ Maria đã được giữ gìn khỏi mọi tội lỗi, ngay cả tội tổ tông truyền, ngay từ giây phút mẹ thụ thai để khi Mẹ lớn lên, Mẹ có thể trở thành Mẹ của Đấng Thiên sai. Điều này có ý nghĩa là, Mẹ cần được giải thoát khỏi mọi tội lỗi để có thể mang đến cho Đức Giêsu một bản tính nhân loại không tỳ ố.
  • Lễ Đức Maria Lên trời (Mông Triệu) được cử hành vào 15/8. Ngày này được đánh dấu bởi việc Đức Giêsu cất nhắc cả thể xác lẫn thần khí của Đức Maria. (Biến cố Thăng Thiên là khi chính Đức Giêsu đưa hồn xác Ngài về trời 40 ngày sau Phục sinh. Sự kiện Mẹ Mông triệu là khi Đức Giêsu đem hồn xác Đức Maria về cùng nơi Ngài ngự.)
  • Lễ mừng Chức năng làm Mẹ của Đức Giêsu (lễ Mẹ Thiên Chúa) được cử hành vào 1/1. Lễ này trước đây vốn là lễ Cắt bì, nhưng sau Công đồng Va-ti-can II đã muốn khởi đầu một năm dân sự mới bằng việc tôn kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.
  • Lễ Đức Maria Nữ vương được cử hành vào 22/8. Dẫu ngày cử hành này chỉ mới xuất hiện trong lịch (phụng vụ), nhưng danh xưng này thì đã có từ rất lâu. Đây là sự mở rộng từ việc tôn kính Đức Kitô Vua đến việc tôn kính Đức Maria, Mẹ của Vua Ki-tô. Như là Nữ Hoàng, Mẹ được tôn vinh, bái phục, và trọng kính trên hết các thiên thần và loài người.
  • Có nhiều lễ khác kính Đức Maria dựa vào các cuộc Hiện Ra (những lần xuất hiện của Đức Maria) chẳng hạn như Lourdes, Fatima, Guadalupe, Knock Ireland, và nhiều nơi khác. Những lễ có liên quan đến Đức Maria như lễ Đức Mẹ Núi Cát-minh (16/7), lễ Đức Mẹ Bảy Sự Thương Khó (15/9)… thì kém quan trọng hơn những lễ chính được kể trên.

ĐỨC MARIA CÓ CHẾT KHÔNG?

Giáo hội chưa bao giờ xác định cái chết của Đức Maria như tín điều. Giáo hôị Chính thống và Byzantine cử hành Lễ Đức Mẹ Yên giấc Ngàn thu, với ý nghĩa đơn giản là ngủ thiếp đi. Bởi vì Sự Thụ thai Vô nhiễm đã gìn giữ Mẹ khỏi tội nguyên tổ, Đức Maria chắc chắn được cứu khỏi hậu quả của tội lỗi, là sự chết. Nhưng như Mẹ đã tự do chọn để chia sẻ những đau khổ của con mình qua việc ở lại với Ngài dưới chân thập giá, các thần học gia tin rằng Mẹ cũng đã tự do chọn chia sẻ cái chết với Ngài.

Đây là lý do Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô I đã suy diễn rằng điều mang tính thần học hơn có lẽ là Đức Maria đã chết trước khi được Thiên Triệu. Nhưng ngài đã không chính thức công bố điều đã dạy như tín điều chính thức. Thế nên, vấn nạn này vẫn để ngỏ cho những cuộc tranh luận nghiêm túc của các thần học gia. Tuy nhiên, việc thân xác của Mẹ được cất nhắc lên trời thì không được mở ra cho bất cứ tranh luận nào.

Nhưng tại sao lại cất nhắc thân xác Mẹ về trời? Đức Giêsu đã lên trời với thân xác mình, và Giáo hội long trọng dạy về sự phục sinh thân xác con người vào ngày sau hết. Mỗi con người là sự hợp nhất độc đáo của thân xác và linh hồn, hồn xác tạm tách rời vào lúc tạ thế nhưng hội ngộ lại vào thời điểm cánh chung, nghĩa là Ngày Chúa Ki-tô đến Lần thứ Hai. Để thưởng công cho Mẹ và để tín hữu có được niềm hy vọng về sự phục sinh của chính họ, Đức Giêsu đã đưa hồn xác Mẹ về trời – đây cũng chính là niềm hy vọng của tín hữu rằng Ngài sẽ làm điều tương tự cho họ vào ngày cánh chung.

Chuyển ngữ: Sơ Maria Nguyễn Minh Tiến, RNDM.

Nguồn: John Trigilio & Kenneth Brighenti, Saints for Dummies, (Indianapolis, Indiana: Wiley Publishing, Inc., 2010), 19-30.