Ảnh từ Internet

Môn học: Thần học Ba Ngôi
Giáo sư: Phạm Minh Ước, SJ.
Học viên: Nguyễn Khánh Duy, SJ.

“Ba Ngôi nhiệm cục là Ba Ngôi nội tại” là một luận đề nổi tiếng của Karl Rahner. Luận đề này cho thấy nhiệm cục cứu độ chính là nơi Ba Ngôi mạc khải chính mình. Với luận đề này, Rahner đã biến những suy tư trừu tượng của thần học kinh viện về thần học Ba Ngôi trở nên gần gũi và sống động hơn với đời sống Ki-tô hữu. Với ý hướng đó, tác giả bài viết giải thích, triển khai và chứng minh giá trị hiện sinh của luận đề này đối với thần học Ba Ngôi và với đời sống Ki-tô hữu.

“BA NGÔI NHIỆM CỤC LÀ BA NGÔI NỘI TẠI”

Một trong những phê bình về cách giải thích truyền thống, đặc biệt là trường phái Kinh Viện, là giới hạn niềm tin về Chúa Ba Ngôi vào trong lĩnh vực duy lý và siêu hình. Điều này làm cho tín điều Ba Ngôi bị xem như là những điều khó hiểu và bị cô lập khỏi cuộc sống. Có những phản ứng tiêu cực như Immanuel Kant: “Giáo lý Chúa Ba Ngôi, cứ theo sát chữ mà nói, không thể đưa ra bất cứ cái gì thú vị và quan trọng cho đời sống đạo của người tín hữu…và dù có thờ lạy mười ngôi đi nữa thì cũng chẳng có gì khác nhau.”[1] Một thần học gia khác là Bernard Lonergan cũng tóm gọn thần học Chúa Ba Ngôi trong một công thức khô khan và có phần châm biếm như sau: “chủ đề Chúa Ba Ngôi gồm năm ý niệm, bốn mối tương quan, ba ngôi vị, hai nhiệm xuất, một bản thể và không hiểu gì hết.”[2] Do đó, một cách trình bày hay suy tư về Ba Ngôi theo nghĩa nội tại đã làm cho giáo thuyết này trở nên trừu tượng khó hiểu, và người ta không thấy được sự liên hệ với đời sống đức tin. Thậm chí, dù có tuyên xưng vào Chúa Ba Ngôi thì cuộc sống và niềm tin của họ chẳng khác gì các tín hữu ‘độc thần.’[3] Trước câu hỏi đó, luận đề này nhận định rằng cách trình bày về Ba Ngôi khởi đi từ lịch sử cứu độ của Karl Rahner qua phát biểu nổi tiếng của mình: “Ba Ngôi nhiệm cục cũng là Ba Ngôi nội tại,”[4] đã góp phần vào việc làm cho thần học Ba Ngôi trở nên gần gũi hơn với đời sống đức tin. Rahner cho thấy phải khởi đi từ mầu nhiệm cứu độ, để khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa. Có lẽ không có cách nào tốt hơn để hiểu về Ba Ngôi cho bằng việc bắt đầu với lịch cứu độ. Với cách tiếp cận này, Rahner thay cách giải thích truyền thống khô khan trừu tượng bằng một trình bày cụ thể gần gũi hơn với đời sống của người tín hữu.[5]

Ba Ngôi nhiệm cục và Ba Ngôi nội tại là gì?

Ba Ngôi nhiệm cục là nói đến sự hiện diện và hoạt động của Ba Ngôi ở trong thế giới, cụ thể là trong công trình cứu độ con người. Nói cách khác, Ba Ngôi nhiệm cục là ‘Ba Ngôi cho con người’. Ba Ngôi nhiệm cục bao gồm quyết định tự do của Thiên Chúa Đấng đi ra khỏi chính mình để đi vào tạo thành. Nó gợi nhắc đến mục đích tối hậu của việc tạo dựng, đó là việc Thiên Chúa tự thông ban chính Ngài cho nhân loại, việc này bắt đầu với việc tạo dựng nên con người, và đạt đến đỉnh điểm trong việc nhập thể, và trải dài cho toàn thể nhân loại nơi hoạt động của Thánh Thần trong ngày lễ ngũ tuần. Với Rahner, Ba Ngôi nhiệm cục như là việc Thiên Chúa không ngừng tự thông truyền chính Ngài cho con người ở trong không gian và thời gian.

Trong khi đó, Ba Ngôi nội tại chỉ về Thiên Chúa Ba Ngôi từ nơi chính Ngài. Không phải hướng ra ngoài để đi đến tạo thành nhưng là hướng vào trong, Ba Ngôi nội tại diễn tả hoạt động nội tại nơi Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Không những thế Ba Ngôi nội tại còn cho thấy nguồn gốc và tương quan giữa các Ngôi Vị trong bản tính Thiên Chúa. Nói đến Ba Ngôi nội tại là nói đến sự hiện hữu mầu nhiệm của Ba Ngôi trong vĩnh cửu, vốn vượt quá sự hiểu biết của lý trí của người dù điều này đã được nhắc đến cách nào đó ở trong Kinh Thánh.

Rahner đã “đồng hóa” Ba Ngôi nhiệm cục và Ba Ngôi nội tại với nhau. Khởi đi từ nhiệm cục cứu độ ta có thể biết và hiểu về nội tại Ba Ngôi. Với luận đề: “Ba Ngôi nhiệm cục là Ba Ngôi nội tại và ngược lại.” [6] Rahner cho thấy phải khởi đi từ mầu nhiệm cứu độ, để khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa. Có lẽ không có cách nào tốt hơn để hiểu về Ba Ngôi cho bằng việc bắt đầu với lịch sử cứu độ. Thay vì trình bày tín điều Ba Ngôi như một giáo thuyết khô khan trừu tượng, Rahner đa nỗ lực làm cho tín điều này trở nên thực tại cụ thể cho đời sống của người tín hữu.[7]

Tại sao Ba Ngôi nhiệm cục như là Ba Ngôi nội tại?

Khi nói đến Ba Ngôi nhiệm cục, chúng ta nói đến sự hiện diện và hoạt động của Ba Ngôi ở trong thế giới, cụ thể là trong công trình cứu độ con người với sứ mạng của Ngôi Lời khởi đi từ nhập thể và sứ mạng của Thánh Thần sau khi Đức Kitô phục sinh. Tất cả những gì được thể hiện nơi Ngôi Lời và Thần Khí trong mầu nhiệm cứu độ cho thấy việc Ba Ngôi Thiên Chúa như là Đấng tự thông truyền chính mình. Nơi công trình cứu độ, Thiên Chúa tự mặc khải về chính Ngài cho con người. Nội dung của mặc khải không phải là tri thức về Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa. Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng: “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài” (Ep 1,9). Vì Ba Ngôi nhiệm cục như là sự tự thông truyền (self-communication) của Thiên Chúa, nên những gì được mặc khải và thông truyền là chính Thiên Chúa, hiểu theo nghĩa nội tại. Cũng vậy, Ba Ngôi nhiệm cục, vốn hiện diện trong lịch sử cứu độ cũng là Ba Ngôi nội tại như chính Ngài ở trong vĩnh cửu.

Bằng chứng cho việc đồng nhất giữa Ba Ngôi nhiệm cục và Ba Ngôi nội tại chính là biến cố nhập thể.[8] Logos đã thực sự trở thành người nơi Đức Giêsu. Logos như thánh Gioan miêu tả chính là Ngôi Lời nhập thể. “Ngôi lời đã trở nên xác phàm” (Ga 1:14). Đây là Ngôi lời vĩnh cửu, lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngài có từ ban đầu nhưng không có khởi đầu[9], hiện hữu từ đời đời. Logos nội tại nơi Ba Ngôi Thiên Chúa vĩnh cửu, có từ đời đời chính là Logos trong lịch sử cứu độ. Logos từ đời đời nơi Thiên Chúa đã đi vào trong lịch sử nơi Đức Giêsu. Hơn nữa, Rahner cũng lưu ý rằng, không phải Ngôi nào nhập thể cũng được mà chỉ có Logos[10]. Vì nếu Ngôi Vị nào cũng nhập thể được thì rõ ràng điều này phải được Kinh Thánh nói đến. Thật vậy Kinh Thánh chỉ đề cập đến việc Nhập Thể của Ngôi Con. Hơn nữa, nếu Ngôi nào nhập thể cũng được thì sẽ không có tương quan mặc khải giữa các sứ vụ của Chúa Con hay Thánh Thần với đời sống nội tại của Ba Ngôi. Có nghĩa là, sứ vụ cứu độ của Ngôi Con không diễn tả hay cho thấy việc Ngôi con có được sinh ra bởi Cha hay không. Nói khác đi, Ngôi Con không diễn tả hay mặc khải về nội tại nơi Ba Ngôi Thiên Chúa.[11]

Bên cạnh biến cố nhập thể, chúng ta cũng có thể hiểu “Ba Ngôi nhiệm cục chính là Ba Ngôi nội tại’ ngang qua kinh nghiệm về ân sủng. Ân sủng ở đây được hiểu như là sự tự thông truyền (self-communication) của chính Thiên Chúa. Rahner giải thích sự tự thông truyền xảy ra không phải xảy ra một cách gián tiếp như là một nguyên nhân tác thành (efficient causality) như những gì ở bên ngoài, nhưng đúng hơn là quasi-formal causality, tức là một sự thông truyền trực tiếp. Rahner khẳng định việc Chúa không mặc khải hay thông truyền cách gián tiếp qua một trung gian nào đó, nhưng Thiên Chúa liên hệ hay tương quan với con người trong ân sủng cách trực tiếp.

Tự thông truyền ở đây được hiểu không phải như ơn ở bên ngoài con người nhưng là ơn được Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ tự nơi sâu thẳm trong tâm hồn con người mà chúng ta có thể nói là một sự ban tặng chính Ngài cho con người.[12] Vì thế, Rahner gọi hiện hữu con người là hiện hữu siêu thăng, tức ngay từ đầu đã được ghi khắc trong trật tự của ân sủng. Vì thế con người tự nó là mở ra với Siêu Việt. Trong con người luôn có gì đó thánh thiện để rồi luôn hướng đến Đấng Thánh Thiện, phải có cái gì đó linh thiêng thì con người mới đi tìm về Nguồn Mạch Thiêng Liêng[13] và mở ra để đón nhận chính Thiên Chúa khi Ngài tự thông truyền cho con người. Và con người có thể đón nhận sự tự thông truyền ấy của Thiên Chúa trong chính những kinh nghiệm đặc thù và cụ thể của đời sống con người. Mỗi kinh nghiệm cụ thể của con người luôn ẩn chứa dấu vết của những gì là siêu việt, là thánh thiêng và cao cả. Mỗi giây phút con người sống là nói nên mối liên kết giữa tinh thần và hành động cụ thể nơi trần thế, mỗi giây phút của hiện hữu là giây phút đưa dẫn con người hướng về với Tuyệt Đối. Vì lý do đó mà ân sủng như là sự tự thông truyền của Thiên Chúa trở nên khả khi nơi con người.

Nơi kinh nghiệm ân sủng, Thiên Chúa không chỉ như là người trao ban, nhưng cũng như là chính món quà. Qua việc tự thông truyền chính mình, Thiên Chúa trở nên như “Quà Tặng” cho con người ngang qua sự hiện diện của cả Ba Ngôi trong dòng lịch sử cứu độ – Chúa Cha sai gửi Con và Thánh Thần đến với con người như Kinh Thánh nói đến[14]. Có thể nói cả Ba Ngôi Thiên Chúa tự thông truyền chính Ngài, thông truyền của cả Ba Ngôi cho con người. Với đặc tính là sự tự thông truyền của cả Ba Ngôi qua những vai trò khác nhau một cách hoàn toàn tự do và nhưng không như thế, kinh nghiệm của chúng ta về ân sủng trong nhiệm cục cứu độ không chỉ là bản sao của Ba Ngôi nội tại, nhưng chính là Ba Ngôi nội tại trong vĩnh cửu đời đời. [15]

Nhận định cá nhân.

Có thể nói, cách tiếp cận của Rahner từ lịch sử cứu độ đã làm cho tín điều về Ba Ngôi trở nên gần gũi, không còn là một điều trừu tượng và xa lạ với đời sống đức tin của tín hữu. Nếu như trước đây, với lối giải thích của truyền thống, thần học Ba Ngôi chẳng liên hệ cụ thể gì đến đời sống con người, thì khởi đi từ lịch sử cứu độ, Rahner đã làm cho thực tại về Ba Ngôi trở nên sống động. Nếu như trước đây Ba Ngôi là giáo thuyết xa cách với thực tiễn và thiếu đi yếu tố mục vụ[16] thì giờ đây, cách tiếp cận của Rahner giúp cho các tín hữu có thể kinh nghiệm về thực tại Ba Ngôi nơi hoạt động của Ngôi Lời và Thần Khí trong chính đời sống của mình cũng như trong dòng lịch sử Giáo Hội.

Quan niệm “Ba ngôi nhiệm cục cũng là Ba Ngôi nội tại” cho thấy con người có khả năng đi vào đời sống nội tại của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương và muốn tỏ lộ chính Ngài cho con người. Ngài tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài. Như Rahner mô tả, nơi cấu trúc hiện hữu của con người đã sẵn có một cái gì đó là “thánh thiêng và siêu việt”, để từ đó con người có thể chạm đến Siêu Việt trong chính kinh nghiệm thường ngày của mình, và có thể gặp gỡ với Thiên Chúa trong chính kinh nghiệm thường ngày ấy. Cách giải thích về Ba Ngôi này của Rahner cho thấy thực tại Ba Ngôi trở nên gần gũi hơn trong kinh nghiệm của con người.

Hơn nữa, khi nói đến “Ba Ngôi nhiệm cục cũng là Ba Ngôi nội tại”, Rahner đã cho thấy Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động ở trong thế giới cũng như trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Ngài không giống như Đấng là cội nguồn của mọi sự, ở trên cao mà quan sát con người và thế giới, nhưng hiện hiện ngang qua sự nhập thể trong lịch sử của Ngôi Lời, và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Về điểm này, Rahner có lẽ chịu ảnh hưởng từ linh đạo I-Nhã, một linh đạo chiêm niệm trong hoạt động. Ông luôn ý thức rằng, Ba Ngôi là mầu nhiệm bất khả đạt thấu, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể nói gì về một thứ “thần bí trong đời thường” nơi mà Thiên Chúa vẫn đang hiện diện cách gần gũi ngang qua hoạt động của Ngôi Lời và Thần Khí.[17]

Tuy nhiên, trong khi chọn khởi đi từ lịch sử cứu độ, Rahner dường như chỉ nhấn mạnh đến biến cố nhập thể, mà quên lãng biến cố thập giá, cũng là một trong những biến cố quan trọng trong mầu nhiệm cứu độ. Có lẽ vì lý do này, Moltmann sau này đã triển khai mầu nhiệm thập giá như là nơi mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa[18].

Kết luận.

Với lối tiếp cận khác với cách giải thích truyền thống, Rahner đã góp phần định hướng cho những suy tư thần học về Chúa Ba Ngôi trở nên gần gũi hơn với đời sống tín hữu. Ông cũng góp phần tái khám phá tầm quan trọng của thần học Ba Ngôi vốn là trung tâm của đức tin Kitô giáo, là nền tảng và là điểm nối kết các suy tư thần học khác. Cách riêng, khẳng định của Rahner, “Ba Ngôi nhiệm cục là Ba Ngôi nội tại và ngược lại” đã trở nên kinh điển và được xem như là ‘định đề’ của thần học Ba Ngôi. Khẳng định này được đa số các thần học gia chấp nhận và tiếp tục suy tư.[19] Khi nói Ba Ngôi nhiệm cục cũng là Ba Ngôi nội tại, Rahner đã cho thấy một Thiên Chúa tuy siêu việt nhưng cũng rất gần gũi với con người. Ngài vẫn đang hiện diện trong suốt dòng lịch sử nhân loại, vẫn đang lao tác để cứu độ con người ngang qua hoạt động của Lời và Thần Khí. Rồi đến lượt con người, như là những hiện hữu siêu thăng, có thể lắng nghe được Lời trong chính những kinh nghiệm hiện sinh của mình qua sự dẫn dắt của Thần Khí. Đó không chỉ là một thái độ lắng nghe thụ động mà còn cần phải được đáp trả vì những kinh nghiệm gặp gỡ như thế luôn đòi hỏi người ta phải dấn bước và lên đường.

Thư mục

  1. Karl Rahner, The Trinit, New York: Herder and Herder Inc., 1969
  2. Catherine Mowry Lacugna, The Trinitarian Mystery of God, (Systematic Theology: Roman Catholic Perspective, Vol I, Fortress Press, 1991)
  3. William V Dych, SJ, Karl Rahner – outstanding Christian Thinker series, 1992.
  4. Tấn Hứa, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thời sự thần học số 6, 11/1996.
  5. Henri – Jerome Gacey, Nhân học Kitô giáo, bản dịch của Nguyễn Tiến Dưng, AA.
  6. Vũ Quang Trung, SJ, mầu nhiệm nhập thể, HTTH số 9
  7. http://catechesis.net/news/Thien-Chua-Ba-Ngoi/NHUNG-BIEN-CHUYEN-TRONG-THAN-HOC-CHUA-BA-NGOI-SAU-CONG-DONG-VATICANO-II-190/

[1] Kant, “Conflict of the faculties” trong: Religion and Rational Theology, (trans. A.W. Wood – G. di Giovanni), The Cambridge Edition of the Works of Immanuel Kant, Cambridge University Press, Cambrige 1996, tr. 264. Trích lại từ: Nguyễn Thị Sáng, Những chuyển biến về thần học Chúa Ba Ngôi sau Công Đồng Vatican II, website: http://catechesis.net/news/Thien-Chua-Ba-Ngoi/NHUNG-BIEN-CHUYEN-TRONG-THAN-HOC-CHUA-BA-NGOI-SAU-CONG-DONG-VATICANO-II-190/.

[2] Gerald O’Collins, The Holy Trinity: The state of the Questions, tr.2. Trích lại từ bài viết của Nguyễn Thị Sáng như phần trích dẫn ở trên.

[3] Karl Rahner, Trinity, New York: Herder and Herder Inc., 1969, tr. 10.

[4] Ibid, tr. 22.

[5] Ibid, tr.10.

[6] Karl Rahner, tr.21-22

[7] Ibid, tr.10.

[8] Ibid, tr. 80.

[9] Vũ Quang Trung, SJ, mầu nhiệm nhập thể, HTTH số 9.

[10] Karl Rahner, tr. 24-25.

[11] Ibid, tr. 30.

[12] Ibid tr. 35-37.

[13] Henri – Jerome Gacey, Nhân học Kitô giáo, bản dịch của Nguyễn Tiến Dưng, AA., tr. 52.

[14] William V Dych, SJ, Karl Rahner – outstanding Christian Thinker series, 1992, tr. 152.

[15] Karl Rahner, tr. 35.

[16] William V Dych, SJ, tr. 160.

[17] Idem.

[18] Tấn Hứa, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thời sự thần học số 6, 11/1996, tr. 34-54.

[19] Catherine Mowry Lacugna, The Trinitarian Mystery of God, trong Systematic Theology: Roman Catholic Perspective, Vol I, Fortress Press, 1991, tr. 174.